Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Sự phát triển của trẻ trong năm đầu đời

12 tháng đầu đời tuy ngắn ngủi nhưng lại là thời gian trẻ thay đổi nhiều nhất trong cuộc đời: từ 1 đứa trẻ sơ sinh chỉ biết nằm ngửa đến 1 đứa trẻ có thể tự di chuyển lại lúc 1 tuổi. Mỗi tháng trong năm đầu đời của trẻ đều đánh dấu 1 mốc phát triển khả năng mới.


Các bố mẹ trẻ thường băn khoăn không biết trẻ sẽ phát triển các khả năng gì trong các tháng tiếp theo và liệu con mình có đạt được các mốc phát triển hay không. Tuy nhiên các bố mẹ cũng nên nhớ rằng đừng nên quá cứng nhắc do trẻ phát triển theo tốc độ của riêng mình. Ví dụ có trẻ nói từ đầu tiên lúc 8 tháng tuổi trong khi có trẻ lại chỉ nói sau sinh nhật 1 tuổi.

Dưới đây là mốc phát triển chung của trẻ trong năm đầu đời để các bố mẹ tham khảo:

Từ 1 đến 3 tháng 


Đây là giai đoạn phát triển đầu tiên của trẻ, giai đoạn cơ thể và não đang học cách sống và thích nghi với môi trường bên ngoài. Trong giai đoạn này trẻ có thể bắt đầu:

  • Cười:  Thời gian đầu trẻ thường tự cười, tuy nhiên sau đó, trẻ sẽ biết cười với bố mẹ hoặc người thân khi bạn cười với trẻ hoặc biết cách cười để „bắt chuyện" với bạn
  • Biết ngẩng cao đầu và ngực khi được đặt nằm sấp
  • Theo dõi, nhìn theo đồ vật bằng mắt
  • Mở và nắm bàn tay, cho tay vào miệng
  • Nắm đồ vật bằng tay
  • Biết giơ tay lên để đẩy hoặc với lấy đồ vật mặc dù có thể không lấy trúng được
  • Từ 4 đến 6 tháng:

    Trong 3 tháng tiếp theo, trẻ sơ sinh bắt đầu học cách „điều khiển" cuộc sống xung quanh mình. Trẻ đang trong giai đoạn làm chủ đôi tay tay, và khám phá giọng nói của mình. Trong giai đoạn này trẻ có thể:

    • Tự lẫy (lật) sau đó tự nằm ngửa lại
    • Bập bẹ những tiếng đầu tiên mặc dù chưa rõ tiếng
    • Cười thành tiếng
    • Với tay để nắm lấy đồ vật (tóc mẹ thường là thứ mà trẻ thích nắm trong giai đoạn này), và điều khiển thành thạo đồ chơi bằng 2 tay
    • Có thể ngồi được lên nếu được đặt ngồi, và tự điều khiển đầu của mình rất tốt

    Từ 7 đến 9 tháng 

    Đây là giai đoạn trẻ học cách tự di chuyển. Sau khi biết lẫy, trẻ khám phá ra rằng bằng cách lẫy, mình có thể di chuyển được tới nơi cần thiết, và trẻ sẽ dành thời gian học cách tiến liên đằng trước hoặc lùi lại đằng sau. Việc của bố mẹ có con trong độ tuổi này là phải giữ cho nhà sạch sẽ và an toàn cho trẻ tự do di chuyển. Trong giai đoạn này, trẻ có thể:

    • Bắt đầu biết trườn, bò
    • Tự biết ngồi lên, không cần sự giúp đỡ
    • Có phản xạ với những từ quen thuộc như tên của mình. Trẻ cũng biết phản xạ với từ „KHÔNG" bằng cách dừng lại 1 chút để nhìn thăm dò bố mẹ,
    • Có thể gọi được bà, bố, mẹ
    • Biết vỗ tay và chơi những trò đơn giản như ú oà
    • Bắt đầu học cách tự đứng lên

    Từ 10 đến 12 tháng

    Giai đoạn phát triển này là 1 mốc lớn đánh dấu quá trình thay đổi của trẻ. Trẻ không phải là 1 trẻ sơ sinh nữa mà là 1 đứa trẻ khá độc lập và đang học để có thể

    • Bắt đầu biết tự ăn. Đến độ tuổi này, trẻ đã thuần thục khả năng bốc thức ăn cho vào miệng
    • Tự vịn đi lại quanh phòng
    • Nói 1 vài từ đơn giản có chủ ý rõ ràng, ví dụ nói mẹ khi nhìn hoặc chỉ về phía mẹ
    • Biết chỉ vào 1 số đồ vật trẻ muốn để gây sự chú ý của bố mẹ
    • Bắt đầu biết bắt chước 1 số hành động của bố mẹ, ví dụ cho điện thoại lên tai
    • 1 số trẻ có thể bước những bước đi đầu tiên

    Khi nào bố mẹ cần sự tư vấn của bác sĩ về phát triển của con

    Các bố mẹ nên làm gì khi nghĩ rằng con mình không đạt được các mốc phát triển cơ bản? Điều quan trọng đầu tiên là các bố mẹ phải lắng nghe linh cảm của mình. Nếu các bố mẹ thực sự cảm thấy có điều gì đó không ổn thì nên nói chuyện với các bác sĩ để có những chuẩn đoán sớm. Bạn bao giờ cũng hiểu con mình hơn ai hết.

    Tuy nhiên, các bố mẹ cũng đừng tạo stress cho bản thân và con trẻ bằng cách khư khư rằng con mình phải biết ngồi hay biết nói vào lúc mấy tháng tuổi. các bố mẹ nên nhớ rằng trẻ khác nhau sẽ phát triển theo các tốc độ khác nhau. Nếu con bạn chưa đạt được kỹ năng nào đó trong 1 tháng nào đó, điều đó là hoàn toàn bình thường. Hãy quan tâm đến cả quá trình phát triển của trẻ chứ không chỉ là các mốc đơn thuần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét