Tắm nắng cho trẻ sơ sinh là một việc làm vô cùng cần thiết mà các bậc cha mẹ nên thực hiện hàng ngày để có thể giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Tuy nhiên, tắm thế nào để bé hấp thụ một cách tốt nhất, an toàn nhất vẫn là một câu hỏi khó khăn đặt ra với rất nhiều bà mẹ trẻ. Chính vì vậy mà hôm nay chúng tôi viết bài viết này với hy vọng sẽ giúp các bạn biết cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh thật đúng đắn và
khoa học.
1. Vì Sao phải tắm nắng cho trẻ sơ sinh?
Điều đầu tiên, tôi muốn tất cả các bạn đều phải hiểu, đó chính là những lợi ích mà việc tắm nắng mang lại cho con bạn. Chắc các bạn đều đã biết Vitamin D đóng vai trò quyết định trong việc phát triển xương ở trẻ, đồng thời giúp trẻ tránh được tình trạng vàng da. Tuy nhiên, cơ thể trẻ chỉ hấp thu được khoảng 20% lượng vitamin D từ thức ăn, còn lại 80% sẽ được tổng hợp qua da dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời. Vì vậy để có được đủ lượng vitamin D cho trẻ, bạn cần phải cho trẻ tắm nắng hàng ngày.
Khi mặt trời tiếp xúc với da, tia tử ngoại B (UVB) sẽ tạo ra vitamin D. Chính quá trình tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời sẽ giúp củng cố da và niêm mạc, giúp bé tăng sức đề kháng, chống lại bệnh truyền nhiễm và thích nghi tốt với môi trường sống. Nói đến đây, chắc hẳn các bạn đều đã thấy rõ được vì sao ta cần tắm nắng cho trẻ rồi đúng không?
2. Khi nào thì bé có thể tắm nắng
Có thể các bạn sẽ rất bất ngờ, nhưng theo các bác sĩ, trẻ em trên 1 tuần tuổi là đã có thể bắt đầu cho trẻ tắm nắng ngay được rồi. Ở nước ta các bà, các mẹ vì sợ bé lạnh nên thường có thói quen ủ ấm, bao bọc bé quá kỹ, điều này khiến cho bé ít có cơ hội tiếp xúc với không khí trong lành bên ngoài. Do đó mà tỷ lệ trẻ còi xương của bé nước ta vẫn khá cao.
3. Thời gian tắm nắng tốt nhất
Thời gian tắm nắng cho trẻ đòi hỏi phải chính xác chứ không phải bất cứ lúc nào, rãnh rỗi là ta lại đem bé ra tắm nắng. Thời gian tắm nắng tốt nhất chính là vào sáng sớm, lúc mặt trời mới mọc nên chưa nóng. Về mùa hè nên tắm nắng từ 6h30 đến 7h30. Nếu những ngày gió to không ra ngoài được, các bạn có thể cho bé tắm nắng bên cửa sổ nhưng cần mở cửa kính để tránh cản tia tử ngoại.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý những nguyên tắc khi cho trẻ tắm nắng
Trẻ cần được tắm ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, nhiều ánh sáng mặt trời. Thoạt đầu, bạn có thể vén áo, quần để tắm nắng tay, chân và mông trẻ, sau đó khi bé đã quen dần cùng với việc tiết trời dễ chịu bạn sẽ mở rộng phạm vi để hở hết da thịt cho bé. Để toàn bộ cơ thể bé được hấp thu vitamin D.
Vào mùa đông, buổi sáng thường ít nắng và nhiều gió, vì vậy các bạn hãy tranh thủ tắm nắng cho bé từ 16h – 17h chiều.
4. Tắm nắng bao lâu là đủ?
Vì trẻ còn nhỏ nên các bạn hãy tập cho bé làm quen dần với việc tắm nắng một cách từ từ, không nên vội vã. Sau khi sinh khoảng 10 ngày, bạn có thể bế bé ra bóng râm để bé dần dần thích nghi. Lúc đầu, mỗi ngày bạn chỉ nên cho bé tắm nắng vài phút, sau sẽ tăng dần, khi trẻ được hơn 3 tháng thì các bạn có thể cho bé tắm nắng trong khoảng nửa giờ.
Ban đầu bạn chỉ nên cho trẻ mặc quần áo hở cổ chân và bàn chân thôi, tắm nắng phần bụng và ngực trước sau đó là phần lưng nhưng nhớ lúc này bạn chỉ nên cho bé tắm khoảng 5 phút thôi nhé! Vào những ngày tiếp theo, bạn hãy che từ đầu gối lên tới đầu, chỉ để lộ bắp chân và bàn chân, tắm nắng cho bé khoảng 15 phút.
Về sau, khi bé đã quen với việc tắm nắng thì bạn cho lộ thêm nhiều vùng da khác như đùi, ngực, tay, cổ… để tắm nắng. Bạn nên biết rằng càng nhiều phần da tiếp xúc với ánh nắng thì cơ thể bé càng nhận được nhiều vitamin D. Nhưng cũng đừng vì vậy mà tham lam, thời gian tắm nắng tối đa tốt nhất chỉ có 30 phút/ 1 lần thôi nha.
Mỗi đợt tắm kéo dài khoảng 15 ngày sau đó cho trẻ nghỉ 10 ngày rồi hãy lặp lại như cũ. Trung bình
yêu cầu 2 tiếng/tuần hay 10-15 phút/ngày tùy vào khả năng phơi nắng của trẻ và mức độ phát triển xương vận động (nếu trẻ ít ốm hoặc trẻ có biểu hiện của chứng còi xương có thể phơi nắng lâu hơn).
Một số lưu ý:
Ngoài ra để việc tắm nắng cho trẻ đạt hiệu quả, các bạn còn cần lưu ý những vấn đề sau:
Tuyệt đối không để ánh nắng chiếu thẳng vào đầu, mặt và mắt để tránh tia cực tím có thể gây hại cho mắt và não trẻ.
Trường hợp trẻ đang bị các bệnh cấp tính, bệnh nội tiết như basedow, eczema, hecpet, phải dùng kháng sinh nhóm Quinolon, nhất thiết không được tắm nắng.
Sau khi tắm, phải kịp thời lau khô mồ hôi và cho trẻ uống một chút nước bổ sung.
Khi tắm nên cho trẻ mặc ít áo, để hở vùng da nhiều càng tốt.
Mùa đông vẫn có thể tắm nắng cho trẻ nhưng bạn nhớ tránh những ngày thời tiết bất thường hoặc vào thời điểm giao mùa.
Không khí sạch sẽ, thoáng đãng, ít bụi bẩn, tiếng ồn, và nhiều ánh nắng là nơi lý tưởng nhất để tắm cho bé.
Tuyệt đối không được tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. Tốt nhất là cả mẹ và bé cùng tắm nắng để tạo cảm giác thân thương, gần gũi (nựng nịu, cho bé bú, đến thời điểm phát triển phù hợp thì tập cho bé ngồi, đỡ tay cho bé đi, vui chơi cùng bé…), để giúp bé thích thú khi tắm nắng.
Hi vọng những chia sẻ vừa rồi của tôi có thể giúp các bạn có thêm những kiến thức bổ ích hổ trợ cho quá trình chăm sóc bé. Chúc các bạn thành công.